Điện – Thiết Bị Điện – Máy Phát Điện – Năng Lượng Điện – Giới thiệu website hay

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay với mặt hàng ổn áp, chấp nhận lợi nhuận thấp thì các doanh nghiệp nước ngoài lại chiếm mất phần béo bở của thị trường thiết bị Dien – một thị trường đang có tiềm năng phát triển.

 
Theo tính toán của các kỹ sư xây dựng, trang thiết bị điện chiếm khoảng 10% giá thành của công trình xây dựng và có xu hướng ngày càng tăng. Nhãn hiệu Clipsal vừa ký hợp đồng tài trợ 100.000 USD để được quyền in tên trên áo thi đấu và đặt biển quảng cáo trên sân đội bóng hàng đầu Việt Nam là Hoàng Anh – Gia Lai. Doanh nghiệp nước ngoài đang đi trước doanh nghiệp Việt Nam khá xa trong thị trường này. Miếng ngon chẳng dễ đến phần.

 
Thương hiệu ngoại áp đảo
 
Chưa có con số thống kê chính thức về doanh số chung của ngành hàng thiết bị điện trên thị trường. Nhưng qua điều tra khảo sát về thị phần, doanh số của một số đơn vị đang dẫn đầu thị trường này, người ta có thể ước tính mỗi năm, thị trường Việt Nam sử dụng gần 500 tỉ đồng cho nhu cầu mua sắm trang bị các mặt hàng thiết bị điện dân dụng. Ðó là chưa kể doanh số của các loại hàng giả, hàng trôi nổi, sản phẩm rẻ tiền không thương hiệu…

 
Trong đó, theo ông Nguyễn Văn Dũng, phó giám đốc công ty HTKD Clipsal-Vitec, nhu cầu sử dụng thiết bị cao cấp chiếm khoảng 50%, phần còn lại thuộc về nhóm hàng trung bình và rẻ tiền.
 
Trong số các mặt hàng cao cấp, xét trên giá bán sản phẩm, theo các nhà phân phối, thì toàn bộ thị trường đang nằm trong tay các thương hiệu như Clipsal, National, SBN… Trong nhóm sản phẩm này, Clipsal đang chiếm thị phần áp đảo và hiện đạt doanh số khoảng 100 tỉ đồng/năm và qua điều tra thị trường cho thấy Clipsal đang chiếm 60% thị phần.

 
Ở nhóm hàng có giá thấp hơn, thị trường đang so kè bởi các nhãn hiệu như GP, Megaman, Merlin Gerin, Moeller… Một số nhà phân phối còn kể thêm thương hiệu Chengli, sản phẩm của công ty nhựa Thành Lợi, một doanh nghiệp Việt Nam.

 
Nếu như căn cứ vào những thương hiệu đang thông dụng trên thị trường nêu ở trên, có thể thấy toàn bộ phần bánh béo bở của thị trường này đang nằm trong tay các thương hiệu ngoại.

 
Ðiều này được ông Bành Minh Phát, giám đốc công ty TNHH thiết bị điện Hưng Phát, một doanh nghiệp chuyên phân phối các mặt hàng thiết bị điện của gần một chục thuơng hiệu khẳng định: “Hàng Việt Nam có tên tuổi tham gia thị trường này không nhiều. Trong đó chỉ thấy có sản phẩm của Thành Lợi là tiêu thụ được khá".
 
Bước đầu giăng lưới
 
Một trong những lý do khiến cho các nhãn hiệu hàng ngoại chiếm được thị phần áp đảo chính là sự phong phú về chủng loại, đa dạng về mặt hàng. Chưa kể một số có quá trình tham gia thị trường đã hàng chục năm và đã tạo được uy tín vững chắc như Clipsal, National.

 
Hầu hết, các sản phẩm thiết bị điện ngoại nhập đều có tới hàng trăm chủng loại khác nhau. Cá biệt có thương hiệu như Clipsal có tới vài ngàn mẫu mã. Sự đa dạng về chủng loại đáp ứng được nhu cầu trang bị, lắp đặt đồng bộ của người sử dụng. Ðặc biệt đối với những công trình lớn, đòi hỏi nhiều loại thiết bị điện khác nhau.

 
Sự thành công hiếm hoi của một sản phẩm Việt Nam là Chengli Thành Lợi trong thị trường này, một phần cũng nhờ sự đa dạng của mặt hàng. Ông Lý Văn Dũ, trợ lý giám đốc công ty Thành Lợi cho biết: "Hiện Thành Lợi có khoảng hơn 100 mặt hàng, mẫu mã và công ty thành công là nhờ đưa ra thị trường các sản phẩm có giá thành hợp lý".

 
Bên cạnh đó, công ty Ðiện Quang dựa trên sự uy tín đã có của sản phẩm bóng đèn để đưa ra thị trường nhóm các sản phẩm thiết bị điện cao cấp cũng mang thương hiệu Ðiện Quang, với giá bán ngang các sản phẩm nổi tiếng trên thị trường được ghi nhận như một nỗ lực bứt phá. Nhưng theo nhận xét của một số nhà phân phối cũng như các nhà thầu thì sản phẩm thiết bị điện của Ðiện Quang chưa nhiều chủng loại.
 
Ông Nguyễn Bắc Sơn, phó phòng tiêu thụ công ty Ðiện Quang nhìn nhận: "Hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng thiết bị điện cao cấp không khó nếu được đầu tư đúng mức. Mục đích của Ðiện Quang là muốn giới thiệu những sản phẩm thiết bị điện thương hiệu Việt Nam có chất lượng không thua kém các sản phẩm cao cấp khác cũng như thâm nhập vào phân khúc tiêu dùng cao cấp của sản phẩm này". Nhưng từ mục đích đến kết quả là một quá trình còn dài.

 
Chưa lọt mắt xanh của người tiêu dùng
 
Trong lĩnh vực này, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường không phải ít. Theo ông Lê Hùng Phương, giám đốc công ty Ðại Phong thì hiện nay có khoảng vài chục doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các mặt hàng này.

 
Thế nhưng, một số ít đầu tư sản xuất hàng cao cấp thì doanh số khiêm tốn, tên tuổi không được biết đến. Một số khác đành chọn hướng sản xuất các loại sản phẩm thông dụng, chọn phân khúc là những người tiêu dùng có thu nhập thấp.

 
Ðiều khó của các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa thể bứt phá trong thị trường này nằm ở tâm lý tiêu dùng. Ông Nguyễn Bắc Sơn, nhận xét: "Ðây là một mặt hàng đòi hỏi độ tin cậy. Và điều tạo ra sự tin cậy này nằm trong uy tín của thương hiệu. Thực tế khi đã chấp nhận xài hàng cao cấp, người ta thường chọn các thương hiệu nổi tiếng".

 
Một đặc trưng nữa của nhóm hàng này là phần lớn sự lựa chọn, quyết định mua hàng lại không thuộc về những người tiêu dùng cụ thể. Ông Dũng cho biết: "Ðối với các công trình, các căn hộ xây dựng mới, người quyết định mua thiết bị điện là những nhà thầu, công ty tư vấn và thiết kế. Ðối với khách hàng lẻ có nhu cầu mua để trang bị thêm, thay thế sửa chữa thì người quyết định chính là những thợ điện".

 
Tuy nhiên, có một mối liên kết ở đây là uy tín của người tư vấn mua hàng. Vì vậy họ tư vấn chọn hàng theo túi tiền của người tiêu dùng nhưng phần lớn không ai gửi gắm uy tín của mình cho những thương hiệu lạ, thương hiệu không uy tín.
 
Những yếu tố trên đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể chen chân vào thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng này. Có một đặc trưng nữa của thị trường này, là các doanh nghiệp có thể thoải mái bắt chước các mẫu mã mới nhất, đẹp nhất của các hãng nổi tiếng mà không sợ bị phạm luật vì trong ngành hàng này không có sự bảo hộ độc quyền về kiểu dáng mẫu mã.

 
Nhưng điều này cũng không giúp ích được nhiều cho các nhà sản xuất Việt Nam. Trái lại, chúng còn dẫn tới một thực trạng là những sản phẩm có giá bán trung bình do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất lại phải đối đầu với các sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng của Clipsal, National… vì có cùng mặt bằng giá.
 
Ông Phương tổng kết một thực tế: Ðối với sản phẩm thiết bị điện, tâm lý người tiêu dùng là lực cản rất lớn. Ðã là hàng Việt Nam thì không thể bán giá cao. Ðưa thương hiệu Việt Nam lên sản phẩm thì ít người mua, dù rằng công nghệ sản xuất không khác, linh kiện nguyên liệu nhập cũng không thua kém các sản phẩm ngoại.

 
Thực tế là người có tiền không mua hàng Việt Nam, người không có tiền thì không am hiểu hoặc là không quan tâm đến chất lượng và chịu mua hàng rẻ tiền. Vì vậy các mặt hàng tầm tầm khó bứt phá lên được. Còn quá sớm để nghĩ đến một ngày các mặt hàng thiết bị điện do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có thể đảo ngược tình thế.

 Theo SGTT

đồ chơi gỗ